Phân loại theo văn phong Tiếng Việt Ẩn dụ

Dựa trên tính giống nhau mà lối ẩn dụ áp dụng, có thể chia ẩn dụ thành các kiểu sau:

  • Giống nhau về hình thức: Vì mũi là một bộ phận cơ thể có dạng nhọn nên có thể gọi các bộ phận nhọn của các sự vật là mũi: mũi thuyền, mũi dao, mũi kim... hoặc như răng lược, lá cờ, lá bài, cánh tay...
  • Giống nhau về màu sắc: Ví dụ như màu da trời, màu da cam, màu cánh sen...
  • Giống nhau về chức năng: trước đây đèn chủ yếu thắp bằng dầu, sau này các loại khác cũng được gọi bằng đèn như đèn pin, đèn điện...
  • Giống nhau về thuộc tính nào đó: khô là tính chất ít hoặc không có nước, từ đó có thể nói lời nói khô; hoặc mực và thước là dụng cụ nghề mộc để lấy các đường thẳng, từ đó có anh ấy là con người mực thước, tức là con người thẳng thắn, đúng đắn.
  • Giống nhau về đặc điểm bề ngoài nào đó: Thị Nở là nhân vật xấu xí trong truyện ngắn Chí Phèo, phụ nữ xấu có thể gọi là Thị Nở. Hoặc người phụ nữ hay ghen có thể gọi là Hoạn Thư.
  • Giống nhau về nghĩa nhưng có sự trừu tượng hóa: hạt nhân cụ thể chỉ phần trung tâm của quả, có thể mang ý nghĩa trừu tượng để chỉ khái niệm trung tâm; hoặc như nắm con át chủ bài, sục sôi căm thù...
  • Gọi tên con vật để chỉ người: ví dụ như đồ rắn độc, con mèo của anh...
  • Chuyển tính chất của một vật sang một vật khác: gió gào thét, thời gian trôi mau...

Nói chung, ẩn dụ có thể xuất hiện ở danh từ (mũi, lá...), động từ (nắm, gào thét...) hoặc tính từ (khô...)